THẦY CÔ VÀ MÁI TRƯỜNG
Tháng 11 về rồi, mùa thu đã trôi qua bỏ lại lao xao lá vàng với những chiều lộng gió, đón đông về với những cơn gió đầu đông se lạnh và lãng đãng chút sương buổi sáng.
Tháng 11 về rồi,
tháng của lòng biết ơn, tri ân tới các thầy cô giáo, tháng để lòng sâu lắng nhớ
về trường lớp, về các bạn học năm xưa với biết bao kỷ niệm của một thời thanh
xuân cắp sách đến trường.
“Một lần đi qua con
đường này
Bao kỷ niệm chợt sống
trong tôi
Về lại trong sân
ngôi trường này
Còn đâu đây nỗi nhớ
vô bờ
Nhớ nhớ những ngày
nơi đây
Cùng bạn bè sống dưới
mái trường này
Nhớ tiếng nói thầy
cô, chắp cánh ta bay bay vào cuộc sống”
(Con đường đến trường - Phạm Đăng Khương)
Trường học là nơi lưu giữ những kỷ niệm tuổi học trò mà mỗi cấp học chúng ta đều có những dấu ấn riêng, những tình cảm và lưu giữ trong ký ức hình ảnh của các thế hệ thầy cô yêu quý. Tôi xin được nói nhiều hơn về những tháng năm của môi trường phổ thông trung học vì nó thật là đặc biệt.
Với tôi và bạn bè tôi
ngày đó có một sự may mắn và tự hào được học tập ở một ngôi trường mới mở, đó
là ngôi trường THPT của Xí nghiệp thiếc Sơn Dương, Tuyên Quang, nơi đây là
điểm sáng của nền công nghiệp khai thác khoáng sản Việt Nam thời kỳ đó. Nơi đây
hội tụ những con người ở khắp nơi trên Đất nước, rất nhiều trí thức và công
nhân đã sát cánh dựng xây Đất Mỏ, góp phần vào sự phát triển của Đất nước Việt
Nam trong và sau chiến tranh.
Trường tôi ngày đó (1984) hiển
hiện như từ trong một giấc mơ thật đẹp với hai dãy nhà khang trang, mùi vôi mới,
nền xi măng, bàn ghế gỗ cùng bảng đen, phấn trắng, còn có phòng Hội đồng của thầy
cô, khoảng sân trước cửa lớp được bao bởi hàng rào gỗ đơn sơ. Trường của chúng
tôi nhìn ra một sân vận động mà giờ ra chơi hoặc sau giờ học luôn rộn rã tiếng
cười, bên kia sân vận động là ngôi trường THCS và toà nhà hội trường, bên phải trường là con
đường nhựa phẳng phiu cùng khu nhà hai tầng khang trang của văn phòng Mỏ và bên
trái là những ngọn đồi và con suối nhỏ.
Chúng tôi là những cô
cậu học trò bỡ ngỡ, hồi hộp xen lẫn vui mừng khôn xiết bước chân vào ngôi trường
mơ ước, các thầy cô giáo chúng tôi cũng trẻ măng, hầu hết đều chưa lập gia
đình. Vượt qua bao gian khó, thầy cô đã đến với ngôi trường này, vừa dạy học và
vừa sinh sống ở đây, ngoài giờ dạy học, thầy cô còn tăng gia, sản xuất cải thiện
cuộc sống với bao vất vả nhưng có những thầy cô đã tìm được hạnh phúc và gắn bó
với mảnh đất này. Thầy hiệu trưởng với ánh mắt ấm áp cùng nụ cười tươi đón chúng
tôi. Cô giáo chủ nhiệm lớp tôi hiền dịu, gần gũi, thương học trò đúng như cái
tên cô mang là cô giáo Thương. Thầy giáo Hải dạy môn Toán thì thật nghiêm nghị
nhưng lại thật hiền. Cô giáo Tuyết dạy môn Lý với mái tóc bồng bềnh và động tác
xoay gót trên bục giảng thật đẹp như cùng bồng bềnh theo những giấc mơ tuổi
thanh xuân của chúng tôi. Cô giáo Lan dạy môn Văn thì dịu dàng, cô giáo Bích dạy
môn Anh Văn giọng thật hay và là một cô giáo tham gia phong trào Đoàn đầy nhiệt
huyết. Thầy giáo Tiến dạy Toán có phong cách trẻ trung, rất nhiệt thành trên bục
giảng, nhưng ngoài giờ dạy thầy giáo lại làm một cầu thủ hăng say trên sân bóng
cùng các học trò, điều tôi nhớ nhất về thầy là năm cuối cấp thầy đã gửi tặng
cho tôi cuốn sách để luyện tập môn Toán với lời dặn dò tôi cố gắng học hành,
tôi rất biết ơn thầy, còn rất nhiều thầy cô giáo khác mà tôi không thể nhắc hết
ở đây đã cùng đồng hành với chúng tôi trong những năm tháng ấy. Thời gian trôi
qua, lớp lớp học sinh chúng tôi đã được thầy cô dạy dỗ để trưởng thành và ra
trường toả đi khắp muôn nơi.
Bao nhiêu năm trôi
qua rồi, có dịp gặp lại thầy cô và bạn bè trong ngày họp lớp với bao niềm xúc động
khó tả trào dâng, có thầy cô được gặp lại, có thầy cô chưa có dịp gặp lại, có
những thầy cô và bạn bè đã đi xa, bạn bè mỗi người một ngã rẽ trong cuộc sống
nhưng vẫn nghĩ về nhau chan hoà tình thân ái, chúng tôi hạnh phúc khi được gặp
lại thầy cô, luôn nghĩ về thầy cô với lòng biết ơn sâu sắc và thầy trò chúng
tôi vẫn quan tâm, động viên nhau trong cuộc sống hôm nay. Dù thời gian có trôi
qua bao nhiêu đi nữa thì đó mãi vẫn là những người thầy, người cô mà chúng tôi
luôn yêu quý và trân trọng. Với riêng tôi, thầy cô, mái trường và bạn bè là miền
ký ức tươi đẹp nhất, đã là một phần của cuộc đời tôi mà tôi luôn trân quý.
Trên khắp nẻo đường của
Tổ quốc Việt Nam thân yêu, có biết bao thầy cô giáo đã và đang miệt mài gieo mầm
tri thức, không mệt mỏi chắp cánh ước mơ, trao hành trang, định hướng vào đời
cho thế hệ trẻ. Tất cả những người thầy bằng tình yêu nghề cháy bỏng, tâm huyết
cho sự nghiệp trồng người, đã vượt qua bao khó khăn cuộc sống, miệt mài bên
trang giáo án với những giọt mồ hôi và cả nước mắt hết lòng vì học sinh thân
yêu, trong đó có những người thầy đã hy sinh thầm lặng và để lại những cảm xúc
thật sâu sắc, đó chính là những người đang gieo những con chữ trên các bản làng
nơi đỉnh núi mờ sương vùng biên giới.
“Khi bình minh hé
sáng phố phường còn ngủ yên
Khi giọt sương
lóng lánh đang còn đọng trên lá
Thầy bước đến trường
em, mang một tình yêu ước mơ
Cho từng ánh mắt
trẻ thơ, cho từng khúc nhạc dịu êm”. (Lê Quốc Thắng)
Cuộc sống có nhiều sự
lựa chọn, nhưng “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”. Thầy
cô đã chọn hành trình đòi hỏi sự nỗ lực, sự hy sinh, hành trình của ý chí và
tình yêu nghề cháy bỏng, một nghề cao quý nhất. Những bước chân đầu tiên của
hành trình có khi đầy nước mắt vì nhớ nhà và sự vất vả. Có những người thầy đã
đi bộ nửa ngày bằng đôi ủng để đến trường, có cô giáo đã chèo bè để vượt suối đến
lớp mà có lần đã bị dòng nước cuốn đi. Có những điểm trường hiểm trở, gian nan
mà chỉ có các thầy giáo mới có thể bám trụ nổi. Hãy một lần nắm bàn tay của những
thầy cô cắm bản để cảm nhận sự khác biệt như thế nào, những bàn tay đã làm qua
rất nhiều công việc, vừa làm giáo viên đứng lớp, vừa làm công tác dân vận, vừa
làm cấp dưỡng nấu ăn cho học trò, vừa làm thợ cắt tóc, bảo mẫu, vừa trồng trọt,
chăn nuôi để nâng cao đời sống còn nhiều thiếu thốn. Những hạt giống gieo ở nơi
khó khăn, khô cằn sẽ nở những bông hoa đẹp nhất, nhiều thầy cô đã tìm được hạnh
phúc của riêng mình bên những ngôi trường hạnh phúc, mảnh đất nơi đây cũng hoá
tâm hồn.
Nhân kỷ niệm 40 năm
ngày Nhà giáo Việt Nam, cho phép tôi được bày tỏ sự trân trọng, lòng biết ơn,
mong cho giá trị người thầy được nhìn nhận đúng mực với truyền thống ‘Tôn sư trọng
đạo’ của người Việt Nam. Xin được kính chúc
các thầy cô giáo và những con người đã, đang cống hiến sức lực, trí tuệ cho nền
giáo dục của Việt Nam có thật nhiều sức khoẻ, niềm hạnh phúc, sự nhiệt huyết để
chung tay, góp sức đưa nền giáo dục nước nhà ngày càng phát triển, đào tạo nên
những thế hệ học trò có đủ cả TÂM – TRÍ – ĐỨC, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng
giàu mạnh! Trong tôi bỗng thấy dâng lên niềm xúc động khi nghe những giai điệu
và lời hát thiết tha của ca khúc Người thầy:
“Người thầy vẫn lặng
lẽ đi về sớm trưa
Từng giọt mồ hôi rơi
nhẹ trên trang giấy
Để em đến bên bờ ước
mơ
Rồi năm tháng sông
dài gió mưa
Cành hoa trắng vẫn
lung linh trong vườn xưa…
Thầy đã đến như muôn
ngàn tia nắng
Sáng soi bước em
trong cuộc đời
Vẫn nhớ những khi trời
mưa rơi
Vẫn chiếc áo xưa
choàng đôi vai
Thầy vẫn đi, buồn
vui lặng lẽ…” (Nguyễn Nhất Huy)
TP.HCM, ngày 19.11.2022
Anh Huỳnh Lan
Email: anhhuynhlan03@gmai.com
Facebook: https://www.facebook.com/anhhuynhlan03/
Lượt xem trang: 11674
Nhận xét
Đăng nhận xét